0

Rối loạn hoang tưởng là gì? | Safe and Sound

Người mắc rối loạn hoang tưởng không thể phân biệt được sự thật và những gì họ tưởng tượng. các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần vẫn chưa tìm được cách ngăn ngừa chứng bệnh này. Tuy nhiên, việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp người bệnh sớm quay lại hòa nhập với cộng đồng.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Đặc điểm chung của bệnh rối loạn hoang tưởng

Theo các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, hoang tưởng là những phán đoán, ý tưởng lệch lạc, không chính xác, không phù hợp với thực tế khách quan, bắt nguồn từ các căn bệnh tâm thần và chỉ biến mất đi khi những vấn đề này thuyên giảm. 

Biểu hiện điển hình của chứng rối loạn hoang tưởng là thường xuyên gặp phải ảo giác. Bệnh nhân thường tưởng tượng ra nhiều sự kiện, tình huống có thật nhưng khó có thể xảy ra trong thực tế (ví dụ: bị đầu độc, bị theo dõi, được yêu thầm,...). Tình trạng ảo tưởng này liên quan đến nhiều nhận thức sai lầm, lệch lạc. 

Theo các bác sĩ tâm thần, tình trạng hoang tưởng mang 2 tính chất nổi bật sau:

  • Lập luận lệch lạc: Bệnh nhân có thể đưa ra nhiều lý lẽ. Thế nhưng, cơ sở tư duy rất hỗn loạn, không chính xác, kém thuyết phục. Do đó, họ dễ đưa ra kết luận lệch lạc. 
  • Niềm tin cố định, vững chắc: Tuy những phán đoán, ý tưởng của bệnh nhân rất mâu thuẫn với thực tế khách quan nhưng họ luôn có niềm tin vững chắc, tuyệt đối vào chúng (thậm chí tôn sùng như một chân lý không thể nào lung lay hay bác bỏ). 

Các bác sĩ tâm thần cho biết, đối với các trường hợp rối loạn hoang tưởng dai dẳng, những phán đoán và niềm tin sai lầm của họ không quá kỳ quặc, xa lạ với cuộc sống thường ngày. 

Ảnh 1: Người bệnh có những phán đoán, ý tưởng lệch lạc, không chính xác

Khi mới nghe qua lần đầu, chúng ta có thể tin những điều đó là thật (ví dụ: việc bệnh nhân bị cô lập ở cơ quan, bị ganh ghét trong trường học, bị nhà nước ruồng bỏ,...). Họ luôn cho rằng mình chính là nạn nhân của sự theo dõi, trù dập đến từ nhiều phía.

Những hoang tưởng này tồn tại lâu dài theo năm tháng và hầu như không tác động tiêu cực đến đời sống tình cảm và chất lượng công việc của bệnh nhân. Thế nhưng, họ lại từ từ tách rời cộng đồng và ôm ấp niềm tin bí ẩn, lạ lùng của bản thân. Chỉ những người thân thiết, gần gũi với người bệnh mới có thể nhận ra tính chất phi lý trong lập luận và những bất ổn trong nội tâm mà họ hiếm khi bộc lộ với thế giới bên ngoài. 

Theo thống kê của bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, tỷ lệ mắc rối loạn hoang tưởng nói chung là 0,03% dân số và chiếm khoảng 1 - 2% tổng số bệnh nhân điều trị nội trú trong các bệnh viện tâm thần, khởi phát bệnh thường ở lứa tuổi trung niên và người cao tuổi.

2. Các thể lâm sàng

2.1. Rối loạn hoang tưởng thể được yêu (Erotomania)

Theo các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, rối loạn hoang tưởng được yêu là hoang tưởng xây dựng trên cơ sở có một người khác yêu mình. Bệnh nhân cho rằng đó là một tình yêu lãng mạn, lí tưởng, có thiên hướng về tinh thần hơn là tiếp xúc tình dục và tin rằng thường người đó có vị trí cao hơn bệnh nhân và hoàn toàn xa lạ như: những người nổi tiếng hoặc các vĩ nhân. Bệnh nhân tìm mọi cách, cố gắng tiếp xúc với người trong hoang tưởng như: gọi điện, viết thư, tặng quà hoặc đến thăm. Tỉ lệ hoang tưởng được yêu trong lâm sàng cả 2 giới tương đương nhau.

2.2. Rối loạn hoang tưởng thể tự cao (Grandiose)

Các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý cho biết, rối loạn hoang tưởng tự cao là thể hoang tưởng được xây dựng trên một niềm tin có khả năng to lớn nhưng chưa được biết đến hoặc tiềm năng lớn chưa được khám phá, hiếm hơn người bệnh có những hoang tưởng có một mối liên quan đặc biệt với các bậc vĩ nhân như: một cố vấn của tổng thống chẳng hạn, thậm chí còn cho rằng mình là một nhân vật vĩ đại. Hoang tưởng tự cao còn có thể có nội dung tôn giáo như: bệnh nhân tin rằng mình có một thông điệp của thượng đế.

2.3. Rối loạn hoang tưởng thể ghen tuông (Othello Syndrome)

Hoang tưởng ghen tuông là thể hoang tưởng được xây dựng trên cơ sở cho rằng vợ hoặc chồng hoặc người yêu của mình không chung thủy, nhưng niềm tin này không có cơ sở thực tế và suy diễn trên cơ sở sai lầm của các bằng chứng mà bệnh nhân cho là rõ rệt, được chọn lọc theo phán quyết của hoang tưởng. Theo các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, bệnh nhân có rối loạn hoang tưởng ghen tuông thường hành hạ vợ hoặc chồng hoặc người yêu và cố gặng hỏi theo khía cạnh phản bội của đối tượng.

Ảnh 2: Người bệnh bị rối loạn hoang tưởng ghen tuông luôn cho rằng vợ/chồng hoặc người yêu của mình không chung thuỷ

2.4. Rối loạn hoang tưởng thể bị hại (Persecutory)

Theo các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, rối loạn hoang tưởng bị hại là thể hoang tưởng được xây dựng trên cơ sở cho rằng một số người có mưu đồ chống lại mình như: theo dõi, lừa đảo, làm gián điệp, đầu độc hoặc gây lạm dụng ma tuý. Một thiếu sót nhỏ có thể được phóng đại và trở thành trung tâm của hoang tưởng. Những hoang tưởng bị hại có thể trở thành những xung động lặp đi lặp lại để thoả mãn cho chính bản thân bệnh nhân. Bệnh nhân có hoang tưởng bị hại dễ bị phật ý và có thể sử dụng bạo lực đối với những đối tượng mà họ cho rằng đang chống lại mình.

2.5. Rối loạn hoang tưởng dạng cơ thể (Somatic Symptom Disorder)

Hoang tưởng dạng cơ thể được bác sĩ tâm thần khẳng định là hoang tưởng được xây dựng trên cơ sở các rối loạn chức năng hoặc rối loạn bản thể. Hoang tưởng này có thể rất khác nhau, thường gặp nhất là bệnh nhân tin rằng mình nhận thấy mùi khó chịu ở da, miệng, trực tràng hoặc âm đạo hoặc bị nhiễm các bệnh do côn trùng ở da hoặc bị hỏng một cơ quan nội tạng nào đó hoặc một phần cơ thể cảm thấy không bình thường hoặc dị dạng, bất chấp các bằng chứng rõ rệt hoặc tin rằng có một phần cơ thể hoặc các nội tạng không hoạt động.

3. Điều trị rối loạn hoang tưởng

Theo các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, rối loạn hoang tưởng là một bệnh khó điều trị. Mục đích điều trị để xác định chẩn đoán và quyết định các biện pháp thay đổi điều kiện sống.

3.1. Liệu pháp hoá dược

Rối loạn hoang tưởng điều trị ngoại trú là chủ yếu, nhưng điều trị nội trú cho một số trường hợp sau:

  • Bệnh nhân cần khám toàn thân, đặc biệt là khám thần kinh để tìm nguyên nhân của rối loạn hoang tưởng.
  • Bệnh nhân kích động, có hành vi bạo lực, tự sát, giết người do hoang tưởng chi phối.
  • Bệnh nhân có hành vi gây rối loạn trong gia đình và nơi công tác do các hoang tưởng chi phối. 

3.2. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý nhằm xác lập niềm tin hợp lý cho bệnh nhân. Các bác sĩ tâm thần cho biết, liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp nhận thức, liệu pháp hành vi và liệu pháp tâm lý gia đình có kết quả tốt hơn liệu pháp tâm lý nhóm. 

: Rối loạn hoang tưởng là gì? | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound